Dạy học lồng ghép di sản văn hóa kiến trúc tháp Chàm Yang Prong – Giờ học ý nghĩa

Lượt xem:

Đọc bài viết

Giáo dục di sản văn hóa trong trường học là giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ mai sau. Việc bảo tồn và đưa di sản văn hóa vào giảng dạy mang lại tác dụng quan trọng trong công tác giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự lan tỏa của di sản đến mỗi gia đình, cộng đồng. Đồng thời góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa, giúp các em biết trân trọng các di tích lịch sử gắn với địa phương. 

Thông qua hoạt động dạy học gắn với di sản, các giáo viên có dịp để học tập và chia sẻ kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo vào công tác dạy và học gắn liền các di sản văn hóa tại các địa phương; định hướng mục tiêu, tạo cho học sinh tiếp cận với di sản để các em có cách nhìn và ứng xử đúng với di sản văn hóa ngay tại nơi sinh sống, phát huy được giá trị của di sản.

CHUYÊN ĐỀ: HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA “DẠY HỌC LỒNG GHÉP DI SẢN VĂN HÓA THÁP CHÀM YANG PRONG”

1. Thời gian : 14h00 chiều thứ 4 ngày 26/3/2025
2. Địa điểm : Di tích văn hóa kiến trúc cấp Quốc gia: Tháp Chàm Yang Prong
3. Thành phần : Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Ea Rốk

: BGH, giáo viên toàn trường

4. Giáo viên thực hiện : Thầy giáo Trương Quảng Hưng, giảng dạy môn Địa lí
5. Học sinh : Khối lớp 9, trường THCS Lê Đình Chinh, Ea Súp, Đăk Lăk

Thực hiện Kế hoạch của nhà trường năm học 2024 – 2025, kế hoạch hoạt động chuyên môn của tổ Sử – Địa – Tiếng anh trường THCS Lê Đình Chinh, được sự cho phép, tạo điều kiện của lãnh đạo xã Ea Rốk và Ban quản lý tháp Chàm Yang Prong, chiều thứ tư, ngày 26/3/2025, tổ Sử – Địa – Tiếng anh trường THCS Lê Đình Chinh tổ chức chuyên đề hoạt động ngoại khóa “dạy học lồng ghép di sản văn hóa tháp Chàm Yang Prong” tại thôn 5 – xã Ea Rốk – huyện Ea Súp – tỉnh Đăk Lăk.

Qua chuyên đề, học sinh được khắc sâu kiến thức về di tích văn hóa kiến trúc tháp Chàm Yang Prong như: các tên gọi khác nhau của ngôi tháp; vị trí địa lý; lịch sử hình thành; kiến trúc – văn hóa của ngôi tháp; các nét đặc trưng của ngôi tháp; đồng thời các em được giáo dục tích cực tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo, chăm sóc di tích; khi đến thăm quan di tích không vứt rác bừa bãi, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan; lên án và báo cáo với Ban quản lí về các hành vi xâm phạm di tích, giữ gìn di sản văn hóa theo quy định của pháp luật…

Chuyên đề  giúp học sinh phát triển kĩ năng quan sát, thu thập tài liệu và viết báo cáo; tạo hứng thú học hỏi, tìm tòi các kiến thức về di sản. Qua đó, học sinh sẽ rèn luyện được các phẩm chất và năng lực cần thiết để hoàn thiện bản thân.

* Một số hình ảnh trong giờ học ngoại khóa:

Thầy Tạ Văn Suy – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phát biểu trong giờ học ngoại khóa

 

Thầy giáo Trương Quảng Hưng cùng với các em học sinh tìm hiểu về ngôi tháp

_QTV-BTY_