Báo cáo tham luận dự hội nghị tổng kết năm học 2021-2022
Lượt xem:
MỘT SỐ BIỆN PHÁP, KINH NGHIỆM THỰC HIỆN
“ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO TRONG QUẢN LÝ, GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP” TẠI TRƯỜNG THCS LÊ ĐÌNH CHINH
Kính thưa quý vị Đại biểu!
Kính thưa toàn thể Hội nghị!
Hôm nay trong bầu không khí trang trọng của Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và Triển khai nhiệm vụ cho năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục huyện Ea Súp. Được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, bản thân tôi thay mặt cho 45 CBGVNV trường THCS Lê Đình Chinh rất vinh dự được bày tỏ chia sẻ những kinh nghiệm đạt được trong phong trào thi đua Dạy tốt-Học tốt đặc biệt những kinh nghiệm “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” mà nhà trường đã đạt được trong những năm học qua. Đầu tiên cho phép tôi kính gửi đến toàn thể quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo về dự Hội nghị hôm nay lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Kính chúc Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và Triển khai nhiệm vụ cho năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục huyện Ea Súp thành công tốt đẹp.
Kính thưa Hội nghị!
Những năm qua, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các trường học trên địa bàn huyện nhà. Phong trào thi đua này được ngành giáo dục tích cực hưởng ứng, qua đó khơi dậy, phát huy tinh thần lao động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục. Là một trong những trường tiêu biểu trong thực hiện phong trào này, Trường THCS Lê Đình Chinh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Thực tế nó là động lực để khơi dậy và phát huy các sáng kiến, sức sáng tạo trong mỗi thầy cô giáo, biến những điều tưởng như con người không thể làm được thành những điều có thể trong thực tế tạo ra sức mạnh tập hợp, huy động sức mạnh tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” trong các năm học qua, được sự giúp đỡ của ngành Giáo dục cấp trên, sự nỗ lực phấn đấu của toàn trường đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục huyện nhà nói chung. Trong Hội nghị này, tôi xin chia sẻ với quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo về dự hội nghị những kinh nghiệm trong việc thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của đơn vị trong các năm học qua.
Kính thưa Hội nghị!
Chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào chủ trương, đường lối, chế độ chính sách hay cơ sở vật chất mà phần lớn phụ thuộc vào công tác đổi mới quản lý của người Lãnh đạo. Đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm việc của Ban giám hiệu mà còn đổi mới cách làm việc từ các đoàn thể, từ các tổ chuyên môn và giáo viên. Ngoài ra Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng phải linh hoạt vận động tập hợp quần chúng, làm việc khoa học, có tinh thần trách nhiệm cao; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những hoạt động chưa phù hợp hoặc sai phạm. Với tinh thần đó, Lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn bàn bạc, trao đổi trong tập thể và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là: Đổi mới quản lý giáo dục gắn liền với tổ chức bồi dưỡng giáo viên thông qua chuyên đề: “Đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm”: Ngay từ đầu năm học Lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn hướng dẫn giúp giáo viên hiểu rõ nội dung “Đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm” theo hướng nghiên cứu bài học, tổ chức sắp xếp, trang trí môi trường sư phạm trong và ngoài lớp luôn đủ ánh sáng – xanh – sạch đẹp; ngoài ra, để giáo viên thực hiện tốt nội dung “Đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm” theo hướng nghiên cứu bài học; chúng tôi đã thực hiện tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn nhà trường, sinh hoạt tổ chuyên môn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tự học tập; giáo viên lâu năm, có nhiều kinh nghiệm sẽ hướng dẫn các giáo viên trẻ qua công việc cụ thể, rút kinh nghiệm trong các buổi dự giờ, chuyên đề, thao giảng, hướng dẫn soạn giảng, nhất là những bài mới, bài khó. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ hiểu biết của mình; biết giúp học sinh khai mở tri thức thông qua những bài học và hoạt động kỹ năng sống. Khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên, tạo lập bầu không khí tin cậy, thúc đẩy giáo viên quan tâm đến chất lượng, hiệu quả giáo dục, triển khai tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Hai là: Thực hiện đồng bộ giữa hai công việc quản lý và giảng dạy: Phương pháp giáo dục phải là phương pháp trực tiếp hướng đến người học đó chính là chất lượng học tập của học sinh, muốn chất lượng được nâng cao thì những người làm công tác quản lý giáo dục phải giúp cho học sinh xác định được động cơ học tập rõ ràng khi các em trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? Nếu không có động cơ hoặc động cơ sai thì học sinh không thích và chán học. Không chỉ mỗi giáo viên là nhà giáo dục mà cả phụ huynh, cán bộ, nhân viên trong trường cũng phải là nhà giáo dục. Khi các nhà giáo dục có trách nhiệm tương quan lẫn nhau thì trách nhiệm đó sẽ có tác động tốt đến từng học sinh. Thực hiện phương châm “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” để qua đó giáo dục học sinh về mục đích, động cơ và thái độ học tập; quyền lợi và nghĩa vụ học tập và là nơi các em thể hiện giá trị của mình, tạo ra môi trường đảm bảo trường học thân thiện, hạnh phúc với các tiêu chí yêu thương, an toàn và tôn trọng; khuyến khích học sinh thể hiện mình trong học tập, rèn luyện.
Ba là: Chỉ đạo Đội TNTP Hồ Chí Minh và hoạt động ngoài giờ lên lớp tổ chức các hoạt động trao đổi, trải nghiệm, tìm tòi khám phá, hợp tác và chia sẻ ý tưởng cùng bạn bè, giúp hình thành các kỹ năng cho học sinh như kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng rèn luyện và bảo vệ sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội; kỹ năng ứng xử thông qua chương trình: ” Vòng tay bạn bè”, “Tiếp sức đến trường”, “Bánh chưng xanh”, “ Kế hoạch nhỏ”, “ Quỹ vì bạn nghèo”, “Em yêu nước sạch“… để các em biết tôn trọng, yêu thương và chia sẻ với nhau về nhiều mặt trong đời sống học đường. Năm học 2021-2022, trao 10 xuất quà trị giá 3.000. 000 đ cho học sinh thuộc diện khó khăn khối lớp 6 để các em mua đồ dùng hoặc sách giáo khoa; Liên đội huy động nguồn tài trợ 03 xe đạp cho học sinh từ nhà hảo tâm, 13 bộ sách giáo khoa lớp 6, 50 đèn bàn học, 20 xuất quà.
Bốn là: Huy động nguồn lực để xây dựng nhà trường và tổ chức các hoạt động: Thực tế hiện nay trường nào cũng còn khó khăn, có trường khó khăn ít có trường khó khăn nhiều. Riêng đối với trường THCS Lê Đình Chinh, hằng năm trước khi kết thúc năm học Lãnh đạo nhà trường lên kế hoạch xin Lãnh đạo cấp trên nâng cấp cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho năm học mới. Từ đó, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn để phát triển nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn vận động mạnh thường quân đóng góp để xây dựng cảnh quan trường học, mua sắm trang thiết bị nhằm chuẩn bị cho lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, nhà trường đã vận động các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân như: Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Chi hội Phụ nữ công an tỉnh Đăk Lăk và Đoàn thanh niên-Công đoàn cơ sở PC07 tu sửa lại 5 phòng học , bàn ghế, bảng chống lóa với hệ thống điện, quạt với tổng giá trị 45 triệu đồng. Trong thời gian dịch Covid-19, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lăk với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” có 111 học sinh được giúp đỡ với số tiền 63.825.000 đồng; hưởng ứng đợt kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về quyên góp mua máy tính và sóng cho em, 100% GV-NV của đơn vị đã góp 1 ngày lương với số tiền 9.809.000đ. Nhà trường luôn đi đầu trong việc đổi mới, tổ chức tập huấn cho toàn thể đội ngũ CBGV toàn trường Ứng dụng CNTT vào dạy học trực tuyến trên nền tảng phần mềm OLM của trường Đại học Sư phạm Hà Nội để khai thác dữ liệu và kết hợp với Zoom. Không những thế, nhà trường còn nâng cấp toàn bộ hệ thống mạng, mua sắm them Tivi, các trang thiết bị khác. Vì thế, năm học qua nhà trường tổ chức phương án dạy học linh hoạt từ dạy học trực tiếp sang dạy học gián tiếp (Trực tuyến) và ngược lại nhằm đảm bảo việc ứng phó với dịch bệnh Covid – 19 từ đây giúp học sinh được phát triển toàn diện cả về kiến thức, năng lực và phẩm chất.
Năm là: Bằng tất cả sự nhiệt huyết với cái “tâm” của những nhà giáo, lãnh đạo nhà trường đã thực hiện rất tốt công tác xã hội hóa giáo dục: Tổng nguồn kinh phí vận động xã hội hóa trong các năm học gần đây là hơn 68.000.000 đồng, nhằm giúp đỡ học sinh bị bệnh hiểm nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: trao học bổng, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập. Thực hiện nghị quyết Đại hội cha mẹ học sinh trường, sau khi bàn bạc thống lựa chọn cấu hình máy phù hợp để nhà cung ứng lắp trước 10 bộ máy vi tính phục vụ thực hành môn Tin học ngay từ tháng 11/2021trị giá 68.700.000đ (100% học sinh các lớp đều được thực hành theo lịch). Đổ sân bê tông trước cổng trường với diện tích 140 m2. Mua mới thiết bị thực hiện chương trình GDPT 2018 tổng 05 ti vi dạy trình chiếu có hộp khung bảo vệ trị giá 70.180. 000đ và mua thêm 01 tivi 65 in lắp tại lớp học để đảm bảo các khối lớp đều có phòng dạy học ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh công tác xã hội hóa, trong mỗi năm học nhà trường tiết kiệm kinh phí hoạt động mỗi năm hơn 50 trăm triệu đồng để mua sắm đồ dùng dạy học, sửa chữa bàn ghế, may rèm, trang trí phòng học và trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan sư phạm xanh sạch đẹp. Để chuẩn bị công tác kiểm định, xây dựng thư viện chuẩn nhà trường đã tổ chức ngày hội đọc sách huy động các mạnh thường quân, cha mẹ và học sinh mua ủng hộ 466 đầu sách cho thư viện trị giá 30.000.000 đ. Làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp, hiện đang xây dựng các hạng mục đáp ứng được với yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giữ vững trường đạt chuẩn Quốc gia.
Kính thưa qúy vị lãnh đạo, quý vị đại biểu, quý thầy cô!
Nhờ triển khai những giải pháp trên cũng như sự chỉ đạo sâu sát chuyên môn của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lăk, Phòng Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện Ea Súp, UBND xã Ea Rốc; sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể đội ngũ trong Hội đồng sư phạm trường THCS Lê Đình Chinh, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh cùng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Đặc biệt là Lãnh đạo nhà trường thực hiện“Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”nên trong nhiều năm học qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ như: Chi bộ liên tục đạt chi bộ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà trường luôn đạt tập thể Lao động tiên tiến, năm học 2020-2021 và 2021-2022 được UBND tỉnh Đăk Lăk tặng Bằng khen “Tập thể Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; Công đoàn đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, được Liên đoàn lao động tỉnh Đăk Lăk tặng Bằng khen năm học 2020-2021; Đội TNTP Hồ Chí Minh đạt Liên đội xuất sắc tiêu biểu. Năm học 2021-2022, nhà trường là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua Hai tốt của ngành giáo dục huyện nhà: Tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh đạt giải nhì; Tham gia thi HSG cấp huyện các bộ môn văn hóa đạt 10 giải (01 giải nhì, 07 giải ba và 03 giải KK), Tham gia cuộc thi Đấu trường Toán học của tỉnh Đăk Lăk đạt 02 giải Bạc và 02 giải KK. Và thành tích quan trọng nhất là học sinh được phát triển toàn diện cả kiến thức, năng lực, phẩm chất và các kỹ năng trong cuộc sống, học sinh biết chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh xung quanh …. Học sinh lên lớp thật sự có chất lượng, Học sinh TN.THCS đạt 100%. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng cao.
Kính thưa Hội nghị!
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hơn ai hết Lãnh đạo nhà trường phải biết tự đổi mới mình và thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất: Luôn quan tâm đến đời sống và giải quyết đầy đủ về chế độ chính sách cho CBVC, đặc biệt là phải minh bạch về tài chính, tài sản không lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm những việc sai trái làm mất uy tín phẩm chất của mình và dễ gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan. Phân công, phân cấp và chia sẻ quyền lực đến các thành viên trong nhà trường.
Thứ hai: Phải vừa nắm bắt thông tin, vừa kiểm soát thông tin, biết cách xử lý thông tin hợp tình, hợp lý và phải có tính sáng tạo phù hợp với đơn vị của mình; việc nắm bắt và xử lý thông tin của Hiệu trưởng cũng phải khách quan, tính sáng tạo của lãnh đạo nhà trường được thể hiện qua vai trò lãnh đạo, hoạch định về chiến lược, tầm nhìn sứ mệnh của nhà trường. Người lãnh đạo không chỉ làm đúng, làm tròn kế hoạch mà cần có chiến lược và sáng tạo riêng. Người lãnh đạo phải biết tìm ra cơ chế quản lý dựa trên hành lang pháp lý để phát huy mọi khả năng của từng cá nhân, các bộ phận. Sự tương tác đó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển nhà trường theo chiều hướng đi lên.
Thứ ba: Biết chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời và làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên về mặt tinh thần cho CB-GV-NV. Tuy đó chỉ là những quan tâm nhỏ, nhưng thấy Ban giám hiệu chăm lo và quan tâm thì sẽ tạo được động lực cho CB-GV-NV trong nhà trường cống hiến nhiều hơn.
Thứ tư: Có tham vọng để phát triển nhà trường chứ không chỉ bằng lòng với những gì mình đã làm hoặc đã có. Làm cho giáo viên thấy được nhu cầu giao tiếp, nhu cầu học tập và nhu cầu tự khẳng định mình. Trên cơ sở đó phải chỉ đạo các Tổ chuyên môn vừa là môi trường học tập, giao tiếp vừa là tổ ấm mái trường để mọi người thân thiện và gắn bó với nhau hơn.
Cuối cùng: những người quản lý như chúng tôi luôn nhớ một điều là làm việc gì cũng phải có trách nhiệm, có tấm lòng; đổi mới quản lý để đạt mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.
Trên đây là tham luận chia sẻ một số biện pháp thực hiện đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường THCS Lê Đình Chinh. Trong Hội nghị này, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất của bản thân tôi và trường THCS Lê Đình Chinh đến lãnh đạo Phòng GD, lãnh đạo cấp trên, các trường học trên địa bàn huyện Ea Súp cùng anh em đồng nghiệp trong trường cũng như ngoài trường luôn tạo cơ hội và môi trường cho các CBGVNV trong ngành đã và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu. Những giải pháp, kinh nghiệm của nhà trường không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong nhận được những phản hồi, góp ý từ quý cấp lãnh đạo, quý thầy cô để những giải pháp trên hoàn thiện hơn, góp phần tích vào sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục huyện nhà.
Một lần nữa, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.